Harry Potter và framework kể chuyện “kinh điển”
Giúp thương hiệu cá nhân của bạn ghi điểm ngay lập lức trong trái tim khán giả
Như đã hứa ở bài viết trước, mình sẽ đào sâu hơn về kỹ thuật kể chuyện, đặc biệt áp dụng cho thương hiệu cá nhân. Điểm khác biệt ở đây là, mình sẽ không đi phân tích hay liệt kê quá lý thuyết về framework này, mà sẽ cùng bạn bước vào một thế giới của điện ảnh và nghệ thuật, nơi storytelling đã được tận dụng một cách xuất sắc. Song song với đó là cách liên hệ, áp dụng kỹ thuật kể chuyện này vào quá trình tạo dựng sức ảnh hưởng và uy tín cá nhân rõ rệt.
Chúng mình cùng tìm hiểu nhé!
Hero’s Journey – qua lăng kính Harry Potter
Khi khán giả không chỉ yêu mến nhân vật, mà còn nhìn thấy chính bản thân mình trong hành trình đó. Đó là cách thương hiệu cá nhân không chỉ "nói về mình", mà trở thành chiếc gương phản chiếu hành trình của khán giả.
Hero’s Journey (hành trình của người anh hùng) là một framework kể chuyện kinh điển, lần đầu được khái quát bởi Joseph Campbell trong cuốn sách The Hero with a Thousand Faces (1949).
Campbell nghiên cứu hàng trăm thần thoại, sử thi, truyền thuyết trên khắp thế giới, và phát hiện ra rằng mọi câu chuyện chạm đến trái tim con người đều có cùng một cấu trúc cốt lõi:
Câu chuyện bắt đầu từ một nhân vật bình thường, bị đẩy vào thế giới bất thường, phải đối mặt với vô vàn thử thách, để rồi trở thành một phiên bản trưởng thành, sâu sắc, và mạnh mẽ hơn của chính mình.
Framework này sau đó được Hollywood ứng dụng rộng rãi, từ Star Wars, Harry Potter, đến The Lord of the Rings. Về sau, nhà biên kịch Christopher Vogler đã rút gọn và phát triển thêm trong cuốn The Writer’s Journey, giúp Hero’s Journey trở thành xương sống của hàng ngàn kịch bản phim thành công.
Framework này có 12 giai đoạn, nhưng ở bài này, mình sẽ lấy phiên bản rút gọn gồm 4 giai đoạn chủ chốt để bạn dễ hình dung.
1. Ordinary World - Thế giới bình thường
Bạn là ai trước khi bắt đầu hành trình?
Đây là “trạng thái ban đầu” – nơi bạn còn mơ hồ, chưa nhận ra tiềm năng, hoặc đang gặp một vấn đề bức bối nào đó và muốn thoát ra bằng mọi cách.
Trong Harry Potter:
Harry sống dưới gầm cầu thang tại nhà Dursley, bị xem như người vô hình trong chính gia đình mình. Cậu không có bạn, không biết gì về thân thế thực sự, và luôn cảm thấy mình… không thuộc về nơi này. Gia đình Dursley là những người thân duy nhất còn sống của Harry Potter sau khi bố mẹ cậu ra đi. Họ là một gia đình Muggle, bao gồm Vernon Dursley, Petunia Dursley (em gái của Lily Potter, mẹ Harry) và Dudley Dursley, con trai của họ. Mặc dù là người thân, gia đình Dursley lại đối xử tệ bạc với Harry, thể hiện sự khinh thường và ngược đãi. Họ còn tỏ ra khó chịu mỗi khi Harry thể hiện tài năng phép thuật tiềm ẩn của mình.
Đây là Ordinary World của Harry, một thế giới buồn tẻ, chật hẹp, và đầy giới hạn, nhưng cũng là nơi gieo mầm cho khát vọng được thoát ra và khám phá một điều gì đó lớn hơn, mới mẻ hơn.
Trong thương hiệu cá nhân:
Đây là giai đoạn trước khi bạn bắt đầu hành trình chia sẻ, khi bạn còn:
Là một content creator hướng nội, lặng lẽ viết nhưng không dám đăng vì sợ bị đánh giá.
Là một freelancer mới bắt đầu, có kỹ năng nhưng không biết cách thể hiện giá trị để khách hàng công nhận và đề xuất hợp tác.
Là một bạn trẻ mê viết, nhưng bài đăng mãi không ai đọc, bắt đầu nghi ngờ: “Mình có thực sự phù hợp với con đường này không?”
Bạn chưa biết cách kể câu chuyện của mình. Bạn đang loay hoay giữa hàng ngàn người ngoài kia, và tự hỏi:
“Mình có điều gì đáng để chia sẻ không?”
Ở giai đoạn này, hãy thành thật kể lại "phiên bản cũ kỹ" của bạn, đó chính là sợi dây kết nối mạnh mẽ với người đang ở điểm xuất phát giống bạn ngày xưa. Kể cả khi bạn chưa là ai, chưa có thành tựu gì, khán giả vẫn chọn lắng nghe bạn. Chỉ đơn giản vì, họ thấy rõ hình bóng của chính mình trong từng câu, từng chữ bạn chia sẻ. Khán giả sẽ thấy: bạn cũng từng ở đó, vụng về, sợ hãi, và mơ hồ. Và đó, chính là lúc họ bắt đầu kết nối với bạn, như cách chúng ta từng thương Harry, dù cậu chưa giỏi phép thuật như sau này.
2. Call to Adventure - Tiếng gọi hành động
Điều gì đã thôi thúc bạn thay đổi? Hay nói cách khác, điều gì khiến bạn không thể tiếp tục sống như cũ nữa? Một tình huống cụ thể, một người truyền cảm hứng, một thất bại khiến bạn buộc phải lựa chọn: đứng yên hay bước tiếp? Đây là điểm bắt đầu của hành trình.
Trong Harry Potter:
Bức thư đầu tiên từ Hogwarts lặng lẽ trượt qua khe cửa, mang theo một lời mời kỳ diệu mà Harry chưa bao giờ biết mình xứng đáng nhận. Nhưng cậu không đọc được nó. Vernon Dursley, người đàn ông luôn giận dữ và sợ hãi mọi điều khác biệt, đã giấu nó đi. Rồi lá thứ hai. Lá thứ ba cứ thế bị giấu kín mà Harry chẳng hề hay biết.

Không lâu sau, hàng chục con cú bắt đầu xuất hiện, lượn vòng quanh mái nhà, gõ cửa sổ, nhét thư qua từng khe hở nhỏ nhất. Bức tường bình thường bắt đầu rạn nứt. Cả thế giới dường như đang cố gắng gào lên với Harry:
“Có điều gì đó đang chờ đợi con. Đừng bỏ lỡ.”
Nhưng nhà Dursley lại chạy trốn. Họ kéo Harry đến một hòn đảo hoang giữa biển, trú ngụ trong một túp lều xiêu vẹo giữa mưa gió, mong né tránh điều không thể né. Và rồi… Hagrid đến. Tiếng gõ ầm ầm như sấm sét phá vỡ đêm tối. Cánh cửa gỗ bị hất tung.
Một người đàn ông khổng lồ với bộ râu rậm và ánh mắt nhân hậu bước vào, như thể xé rách lớp vỏ mà thế giới đã trùm lên Harry suốt 11 năm qua.
Và ông nói:
“You're a wizard, Harry.”
Khoảnh khắc ấy, chỉ là một câu nói giản dị, nhưng cắt ngang tất cả những hoài nghi và u tối mà Harry từng cam chịu.
Lần đầu tiên trong đời, cậu được biết danh tính thực sự của mình. Lần đầu tiên, có ai đó nói rằng: cậu có điều gì đó đặc biệt, không cần cố gắng để được công nhận, vì nó đã ở trong cậu từ lâu.
Đó chính là “tiếng gọi hành động” của Harry, khoảnh khắc mà cậu nhận ra:
“Thế giới không còn như trước nữa. Và mình buộc phải lựa chọn - có tiếp tục sống những ngày tháng u tối trước kia, hay đi theo tiếng gọi của con tim và lý trí để chinh phục những thử thách mới”
Nếu là Fan cứng của phim, chắc hẳn bạn không còn lạ lẫm với Nhà ga 9¾ (Platform Nine and Three-Quarters). Đây có thể coi là một trong những hình ảnh biểu tượng nhất trong thế giới Harry Potter, và cũng là một phép ẩn dụ tuyệt đẹp cho bước chuyển từ “thế giới bình thường” sang “thế giới phép thuật” trong framework Hero’s Journey. Nhà ga 9¾ là nơi mà người bình thường không thấy, chỉ những ai dám tin, dám thử mới bước vào được. Nó đánh dấu bước ngoặt không thể quay lại trong hành trình của người anh hùng: khi bạn rời khỏi điều quen thuộc, để bước vào một vùng đất toàn những điều chưa chắc chắn.
Harry được hướng dẫn rằng phải chạy thẳng vào bức tường gạch giữa hai nhà ga. Nếu bạn tin tưởng và không chùn bước, bạn sẽ vượt qua, và bước vào thế giới kỳ diệu: nơi tàu Hogwarts Express đang chờ đợi.
“Tất cả những gì con phải làm là đi thẳng về phía bức tường ngăn cách hai sân ga. Đừng chần chừ. Và đừng sợ.”
- Mrs. Weasley

Trong thương hiệu cá nhân:
“Call to Adventure” không phải lúc nào cũng là điều kỳ diệu như cách Harry nhận được thư mời từ trường Hogwarts. Đôi khi, nó đến từ một cú chạm rất đời thường, nhưng lại đủ để bạn không thể, hoặc không muốn quay về như trước nữa.
Bạn có thể hình dung như khi bạn trò chuyện với một người bạn thân để gỡ rối cho họ sau biến cố cuộc đời. Sau khi trò chuyện sâu với bạn, họ thốt lên rằng: “Ồ, nói chuyện với mày, tao thấy tâm trạng khá hơn rất nhiều. Mày chịu lắng nghe, biết cách xoa dịu, và mang tới cho tao cảm giác rất an toàn để chia sẻ những điều tao chưa từng chia sẻ được với ai”.
Ngay lúc đó, bạn nhớ ra, đó không phải lần đầu tiên bạn được khen như vậy. Và cũng sau buổi gặp mặt đó, bạn nuôi ý định trở thành một người coach về tâm lý, và thử bước ra khỏi vòng lặp công việc nhàm chán trước kia của mình.
Một vài tình huống khác có thể là:
Một bài viết bạn đăng thử, không ngờ lại chạm đến hàng trăm người. Và thế là, hành trình viết của bạn bắt đầu từ đó.
Một lần mất khách hàng tiềm năng, chỉ vì bạn không biết cách giới thiệu bản thân. Và thế là, bạn buộc phải thay đổi tư duy, chiến lược và hành động, để không còn tuột mất cơ hội quý giá ấy một lần nào nữa.
Hoặc đôi khi đơn giản là một sự bức bối bên trong: “Mình không muốn im lặng nữa. Mình không muốn sống một cuộc đời như đi mượn như vậy nữa. Mình phải làm gì đó khác đi thôi…”
Ở phần này, hãy kể về cú chạm khiến bạn quyết định bước ra ánh sáng. Càng cụ thể, càng tạo được kết nối cảm xúc. Đừng cố gắng diễn đạt quá vòng vo. Nó như một cú twist trong những bộ phim điện ảnh có yếu tố kịch tính. Bạn càng rõ ràng bao nhiêu, bạn càng giữ chặt đôi chân của khán giả bấy nhiêu.
3. Challenges & Growth - Thử thách và chuyển hoá
Bạn đã vượt qua điều gì? Học được gì?
Là những va vấp, thử nghiệm, học hỏi, thất bại, và sự kiên trì để tiếp tục.
Đây là phần làm người đọc kết nối với bạn sâu sắc nhất, vì họ cũng đang trải qua điều tương tự.
Trong Harry Potter:
Bước vào thế giới phép thuật không khiến cuộc đời Harry dễ dàng hơn, mà là một chuỗi thử thách, va chạm và lựa chọn nối tiếp lựa chọn.
Từ ngày đầu tiên đặt chân đến Hogwarts, Harry đã phải đối mặt với vô vàn điều lạ lẫm:
Những môn học khó nhằn như Độc dược, Biến hình.
Bị Malfoy khiêu khích, bị giáo sư Snape soi mói, bị báo chí vùi dập.
Chứng kiến người thân lần lượt ra đi: Cedric, Sirius, Dumbledore...
Biết mình mang một phần linh hồn của kẻ thù, và có thể sẽ phải chết để chiến thắng hắn.
…
Ví dụ, trong năm học đầu tiên, một con Quỷ khổng lồ (Troll) xổng khỏi hầm ngục và lang thang trong lâu đài. Cả trường hoảng loạn. Harry và Ron phát hiện Hermione đang bị mắc kẹt trong nhà vệ sinh, nơi con quỷ đang phá phách dữ dội.
Dù chỉ là học sinh năm nhất, Harry và Ron quyết định lao vào cứu Hermione, thay vì chạy trốn như những đứa trẻ khác. Bằng sự phối hợp bản năng, Harry leo lên lưng Troll, dùng cây đũa đâm vào mũi nó để cản trở, và Ron làm phép “Wingardium Leviosa” để đánh ngất con quái vật. Harry không còn là cậu bé chỉ biết phản ứng với thế giới như thời gian còn ở với gia đình Dursley. Cậu chủ động lựa chọn hành động vì người khác. Sau sự kiện này, Hermione trở thành bạn thân của Harry và Ron. Họ không chỉ là ba học sinh giỏi, mà là một đội gắn bó, có thể dựa vào nhau trong mọi tình huống.

Tất nhiên, dù mạnh mẽ tới mấy, đã có lúc Harry muốn buông xuôi. Có lúc cậu tự hỏi: “Tại sao lại là mình?” Nhưng rồi cậu tiếp tục. Mỗi năm học là một bài học. Mỗi thất bại là một bước trưởng thành.
Harry không thắng vì cậu mạnh hơn người khác. Cậu thắng vì cậu không ngừng học hỏi, không từ chối nỗi đau, và không bỏ bạn bè phía sau.
Trong thương hiệu cá nhân:
Là lúc bạn:
Bắt đầu đăng bài đầu tiên, và không một ai thả tim, không một chút dấu hiệu
Hỳ hục tạo khoá học, rồi nhận ra nó không chuyển đổi tốt như mình mong muốn
Nhận job freelance đầu tiên, giá dịch vụ hạ xuống ở mức gần như tối thiểu, và bị khách sửa tới sửa lui đến cạn năng lượng.
Là khi bạn tự nghi ngờ chính mình, tự hỏi:
“Mình có phù hợp với hành trình này không?”
“Hay là… mình chỉ đang ảo tưởng về khả năng của bản thân?”
Nhưng nếu bạn vượt qua, hoặc tiếp tục bước từng bước, bạn sẽ không còn là phiên bản cũ kỹ. Bạn bắt đầu hiểu mình, hiểu nghề, hiểu người, và tìm được tiếng nói riêng.
Không ai sinh ra đã mạnh mẽ. Sự chuyển hoá đến từ từng bước nhỏ ta không bỏ cuộc.
Và trong hành trình xây thương hiệu cá nhân, chuyển hoá chính là phần đẹp nhất để kể.
4. Transformation & Message - Biến chuyển và giá trị truyền lại
Bạn đã thay đổi ra sao? Bạn muốn truyền lại thông điệp gì?
Giờ bạn không chỉ vượt qua thử thách, mà còn hiểu rõ bản thân, có điều muốn chia sẻ, truyền lại, lan toả.
Đây chính là lúc bạn kết nối với người khác qua giá trị sống hoặc sứ mệnh thương hiệu cá nhân.
Trong Harry Potter:
Ở phần cuối cùng của hành trình, Harry không còn là “đứa trẻ sống sót” được thế giới phù thủy gán cho danh hiệu. Cậu trở thành người lựa chọn, lựa chọn đứng lên, lựa chọn chiến đấu, lựa chọn tha thứ, lựa chọn tin vào những điều tốt đẹp.

Cậu hiểu rằng sức mạnh không nằm ở lời nguyền, mà ở tình bạn, lòng trung thành, và sự dũng cảm trong từng quyết định nhỏ. Và rồi, khi mọi chuyện qua đi, Harry trở thành người cha, sống một đời bình dị, ấm áp, nhưng mang trong mình những bài học sâu sắc nhất mà chỉ ai từng đi qua bóng tối mới có thể kể lại một cách chân thực và đầy rung cảm nhất.

Trong thương hiệu cá nhân:
Sau tất cả những thử thách, vấp ngã, điều chỉnh và kiên trì, bạn không còn là người bắt đầu hành trình trong hoài nghi và sợ hãi nữa.
Bạn đã:
Biết mình là ai.
Biết vì sao mình muốn chia sẻ.
Biết tiếng nói của mình có thể chạm đến, và thay đổi, ít nhất một ai đó.
Và đây là lúc thương hiệu cá nhân của bạn không còn chỉ là “nơi để thể hiện bản thân”, mà trở thành một lời mời bước vào ngôi nhà, nơi bạn tự tin bày tỏ:
“Tôi từng ở vị trí của bạn. Và tôi ở đây để giúp bạn bước tiếp”
Đây là lúc bạn gói lại hành trình của mình thành một thông điệp, để truyền cảm hứng và dẫn dắt người đọc/khán giả. Biến chuyển lớn nhất không phải là bạn đạt được điều gì, mà là bạn trở thành người có thể lan toả điều gì. Và đó chính là trái tim của một thương hiệu cá nhân thực sự có sức ảnh hưởng.
Mẫu bài viết cụ thể:
Để bạn hình dung rõ hơn một lần nữa, và có thể áp dụng vào tự thực hành, mình sẽ lấy một vài mẫu bài viết đã từng hiệu quả, có sử dụng framework Hero’s Journey.
Đây là bài mình đăng để truyền thông cho video youtube, vậy nên, bài viết sẽ ngắn gọn, trọng tâm, chứ không quá dàn trải. Nhưng vẫn có yếu tố storytelling rõ rệt trong đó. Bài viết khá viral với gần 60 lượt chia sẻ, gần 200 lượt tương tác và hơn 20.000 lượt xem.
Mình sẽ phân tích cụ thể lý do tại sao bài viết này lại được hưởng ứng tới vậy nhé.
Tiêu đề = Hook:
“Từ kẻ 'vô danh' tới tác giả sách: hành trình tìm lại chính mình!”
Tiêu đề đặc biệt quan trọng khi bạn trình bày câu chuyện của mình lên mạng xã hội, nơi độc giả sẽ không dừng lại đọc tiếp nếu họ không được thôi thúc. Bạn chỉ có 3s để chiếm trọn ánh nhìn của họ. Và nếu bạn không làm được điều đó, thì câu chuyện của bạn rất dễ bị lãng quên, cho dù nó có hay đến mức nào.
Ở đây, mình đã:
Dùng hai hình ảnh đối lập: "kẻ vô danh" vs "tác giả sách" → gợi tò mò: Người này là ai? Họ đã làm cách nào để thay đổi lớn đến như vậy, chỉ từ một người rất bình thường, như mình hiện tại?
Từ khóa “tìm lại chính mình” chạm đúng vào nỗi niềm phổ quát: ai cũng từng thấy mình mông lung, vô hình, và muốn trở nên có ý nghĩa.
Câu hook này kích hoạt mạnh yếu tố đồng cảm + kỳ vọng: “Có khi nào mình cũng làm được như cô ấy?”
Phần thân bài:
Ordinary World - Thế giới bình thường
“Mình cũng giống như nhiều người trẻ khác - thích viết lách, chia sẻ cảm nghĩ cá nhân trên mạng xã hội, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến việc viết một cuốn sách.”
Nhân vật chính - là mình, xuất hiện với hình ảnh rất bình thường, gần gũi: một người trẻ thích viết, nhưng không tin mình đủ đặc biệt để viết sách. Chính sự mơ hồ, tự ti và nghi ngờ bản thân là thứ khiến người đọc kết nối sâu sắc. Họ sẽ ngầm thốt lên rằng: “Ồ, giống mình quá.”
Đây là điểm mạnh đầu tiên: kể về phiên bản vụng về, chưa biết gì của chính mình, chứ không xuất hiện với hình ảnh tôi thành công rồi, và liệt kê ra một danh sách các thành tựu. Người đọc sẽ không thể cảm nhận rõ bạn là ai, nếu bạn chỉ nói về bản thân bạn, mà không quan tâm họ thực sự nghĩ gì.
Call to Adventure - Tiếng gọi hành động
“Mình bất ngờ nhận được một tin nhắn, sau đó là email từ đại diện Skybooks, thương hiệu sách rất nổi tiếng cho người trẻ.”
Cái “Call” ở đây là bất ngờ và đầy tính định mệnh, khiến người đọc cảm thấy: “Chuyện đặc biệt này có thể đến với người bình thường sao?” Đây chính là khoảnh khắc thay đổi mạch truyện, và cũng là lúc độc giả bắt đầu nghiêm túc hơn với câu chuyện.
Mình chọn cách kể tự nhiên, không khoa trương, nhưng lại truyền năng lượng mạnh mẽ vì ai cũng mong có một khoảnh khắc “được chọn” như vậy. Họ sẽ nhen nhóm sự tò mò, tăng liều dopamine tích cực, khiến bộ não họ buộc phải chú ý thật kỹ để không bỏ sót điều thú vị nào khác.
Challenges & Growth - Thử thách và chuyển hoá
“Đó là một hành trình đầy những trăn trở, cảm xúc, và cả những lần muốn bỏ cuộc.”
“...về sự kiên nhẫn, về cách tin tưởng vào giá trị của bản thân…”
Ở đây, mình không nói quá chi tiết từng nỗi đau, nhưng đủ để người đọc hiểu rằng đằng sau một thành tựu là một hành trình dài, không hề dễ dàng. Quan trọng hơn: sự chuyển hóa nằm ở bên trong, từ không tin vào bản thân, kiên nhẫn và biết trân trọng giá trị của mình. Một hành trình mà ai cũng từng ít nhất một lần đi qua.
Đây là giai đoạn khơi gợi cảm xúc nhất, vì đa số người đọc cũng đang ở trong chính giai đoạn trầy trật đó. Nếu bạn chỉ dừng lại ở thành tựu, hay liệt kê quá nhiều nỗi đau không thực sự liên quan, bạn sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ ở khán giả. Họ sẽ đề phòng, đắn đo rằng tại sao mình nên đọc tiếp bài này.
Transformation & Message - Biến chuyển và giá trị truyền lại
“Nếu bạn cũng đang ấp ủ ước mơ viết một cuốn sách... mình tin rằng những gì mình sắp chia sẻ có thể là động lực để bạn bắt đầu hành trình của riêng mình.”
Hành trình này không chỉ là về chính mình, mà còn hướng về người đọc. Mình đã biến trải nghiệm của bản thân thành một lời mời, một sự đồng hành: “Tôi từng là bạn, và tôi tin bạn cũng có thể bước tiếp như tôi đã làm.” Đây là lúc thương hiệu cá nhân chuyển hoá thành sức ảnh hưởng cá nhân.
Ở bài tiếp theo, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu một Framework kể chuyện phổ biến khác đã làm nên tên tuổi của một cuốn tiểu thuyết do nhà văn Việt Nam nổi tiếng sáng tác. Bạn thử đoán xem là ai và tác phẩm nào nhé. Mình sẽ quay trở lại sớm thôi. :))
Tạm kết
Mỗi người đều đang sống trong một câu chuyện. Có người còn đang lạc lối ở “Thế giới bình thường”. Có người vừa nhận ra “Tiếng gọi hành động”. Có người đang vật lộn giữa những “Thử thách và chuyển hoá”. Và có người, có thể là bạn, đang sẵn sàng truyền lại điều gì đó cho những người đi sau.
Framework kể chuyện không chỉ dành cho nhà văn hay đạo diễn. Nó dành cho bất kỳ ai muốn kể câu chuyện thương hiệu cá nhân một cách sâu sắc và kết nối.
Bởi vì khi bạn kể, thật lòng, bạn không chỉ chia sẻ một hành trình. Bạn trao cho người khác niềm tin rằng họ cũng có thể bắt đầu. Và khi họ đã chọn tin theo những gì bạn bày tỏ, họ sẽ chọn đồng hành cùng bạn, vào một ngày đẹp trời.
Nếu bạn cũng đang muốn “thay áo mới” cho câu chuyện thương hiệu của mình, bạn có thể tham gia Masterclass Brand Storytelling của chúng mình. Ở đây, chúng mình sẽ giúp bạn biến câu chuyện khô khan thành nam châm thu hút khán giả.
Bạn đang đọc bản tin The Impact Writing - giúp bạn tạo dựng sức ảnh hưởng và uy tín cá nhân rõ rệt nhờ chiến lược viết có chủ đích.
Mình là Ngọc Ánh - người “khai sinh” bản tin này. 😊
Đặt lịch hẹn consulting 1:1 (free) 60 phút với mình để tìm hiểu thêm về viết và xây dựng THCN từ kỹ năng này.
Các sản phẩm/dịch vụ bạn có thể sẽ cần:
High-impact social writing (Self-learn)
Copy Power (Self-learn)
là một người viết chuyện cũng như xây dựng thương hiệu cá nhân, mình rất thích bài viết của bạn